[24/7]
02586.523.999 - 0986.741.192

MỘT SỐ NỘI DUNG QUY ĐỊNH XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH VỀ THUẾ

MỘT SỐ NỘI DUNG QUY ĐỊNH XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH VỀ THUẾ

          Để doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn quận Sơn Trà hiểu rõ hơn về những hành vi vi phạm liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính về thuế, Ban Biên tập Trang TTĐT quận xin giới thiệu một số nội dung quy định xử phạt hành chính về Thuế, cụ thể như sau:

          1. Thế nào là vi phạm hành chính thuế?

          Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP: Vi phạm hành chính về thuế là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về thuế và các khoản thu khác mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

          2. Một số hành vi vi phạm hành chính về thuế và mức xử phạt tương ứng được quy định như thế nào?

          2.1 Hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế, thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh; thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn

          Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, đối với các hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thời hạn quy định trong việc đăng ký thuế, thông báo việc tạm ngừng kinh doanh, thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn thì mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

          2.2 Hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế

          Tại Điều 12 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định đối với các hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc không dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

          2.3 Hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

          Trường hợp người nộp thuế nộp chậm hồ sơ khai thuế, theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, đối với các hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thì mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

          2.4 Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn

          Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định đối với một trong các hành vi sau đây:

          - Hành vi khai sai căn cứ tính thuế hoặc số tiền thuế được khấu trừ hoặc xác định sai trường hợp được miễn, giảm, hoàn thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng các nghiệp vụ kinh tế đã được phản ánh đầy đủ trên hệ thống sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ hợp pháp;

          - Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn đối với giao dịch liên kết nhưng người nộp thuế đã lập hồ sơ xác định giá thị trường hoặc đã lập và gửi cơ quan thuế các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

          3. Những trường hợp nào được xem là hành vi trốn thuế và mức xử phạt đối với hành vi trốn thuế như thế nào?

          Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, các trường hợp sau đây được xem là hành vi trốn thuế:

          1 - Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế;

          2 - Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế;

          3 - Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;

          4 - Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;

          5 - Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;

          6 - Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế;

          7 - Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế.

          Mức xử phạt đối với hành vi trốn thuế:

          - Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế nêu trên nhưng có 1 tình tiết giảm nhẹ.

          - Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế nêu trên mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

          - Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế nêu trên mà có một tình tiết tăng nặng.

          - Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế nêu trên và có hai tình tiết tăng nặng.

          - Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế nêu trên và có ba tình tiết tăng nặng./.