[24/7]
02586.523.999 - 0986.741.192

Trách nhiệm kê khai quan hệ giao dịch liên kết khi quyết toán thuế TNDN năm 2019…

Trách nhiệm kê khai quan hệ giao dịch liên kết khi quyết toán thuế TNDN năm 2019 được thực hiện theo quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2017) và hướng dẫn tại Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 22/6/2017 của Bộ Tài chính (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2017) về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Sau đây là một số nội dung cơ bản mà Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (gọi chung là người nộp thuế) cần nắm bắt để kê khai quan hệ giao dịch liên kết khi quyết toán thuế TNDN năm 2019.

1. Giao dịch liên kết là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.

        2. Các bên có quan hệ liên kết là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:

        a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;

        b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

             Bao gồm 10 trường hợp sau:

a) Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;

b) Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;

c) Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;

d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;

đ) Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai;

e) Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba;

g) Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, ông nội, bà nội, cháu nội, ông ngoại, bà ngoại, cháu ngoại, cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột;

h) Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

i) Một hoặc nhiều doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp;

k) Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kim soát quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia.

         3. Trách nhiệm kê khai

        Người nộp thuế là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai và có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết phải thực hiện kê khai các mẫu theo quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP và nộp kèm theo Tờ khai quyết toán thuế TNDN số 03/TNDN hằng năm theo thời hạn quy định.

        4. Mẫu biểu kê khai:

Mẫu số 01 – Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết (được hướng dẫn tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 41/2017/TT-BTC);

Mẫu số 02 – Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại Hồ sơ quốc gia;

Mẫu số 03 – Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại Hồ sơ toàn cầu;

Mẫu số 04 – Kê khai thông tin Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (được hướng dẫn tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư 41/2017/TT-BTC).

5. Các trường hợp được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết (hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư 41/2017/TT-BTC và quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 11 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP)

         (1). Được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết tại mục III, mục IV (nhưng phải kê khai căn cứ miễn trừ tại mục I, mục II) tại Mẫu số 01 nếu chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với người nộp thuế và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.

         (2). Được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết  nhưng có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết (mục III, mục IV) tại Mẫu số 01 trong các trường hợp sau:

        a) Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng;

         b) Người nộp thuế đã ký kết Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá thực hiện nộp Báo cáo thường niên theo quy định pháp luật về Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá. Các giao dịch liên kết không thuộc phạm vi áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 10 Nghị định 20/2017/NĐ-CP;

        c) Người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình, có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần trước lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu, bao gồm các lĩnh vực như sau:

        – Phân phối: Từ 5% trở lên;

        – Sản xuất: Từ 10% trở lên;

        – Gia công: Từ 15% trở lên.

        Trường hợp người nộp thuế không áp dụng theo mức tỷ suất lợi nhuận thuần quy định tại điểm này thì phải lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định.

         6. Trách nhiệm lập và lưu giữ Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết:

        – Doanh nghiệp có trách nhiệm lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết (kèm giải trình chi tiết việc lập, cơ sở lập) khi kết thúc kỳ báo cáo tài chính hàng năm và phải lưu giữ, xuất trình theo yêu cầu cung cấp thông tin của Cơ quan thuế. Các dữ liệu, chứng từ và tài liệu sử dụng làm căn cứ phân tích so sánh, xác định giá giao dịch liên kết phải nêu rõ nguồn gốc xuất xứ. Trường hợp dữ liệu của các đối tượng so sánh độc lập là số liệu kế toán, người nộp thuế có trách nhiệm lưu trữ và cung cấp cho Cơ quan thuế bằng bản mềm, dưới định dạng bảng tính.

       – Khi Cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra người nộp thuế, thời hạn cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết không quá 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin.

       – Khi có yêu cầu của Cơ quan thuế trong quá trình tham vấn trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các thông tin, tài liệu tại Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu của Cơ quan thuế. Trường hợp người nộp thuế có lý do chính đáng thì thời hạn cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết được gia hạn 01 lần không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn.

        7. Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết bao gồm:

       a) Hồ sơ quốc gia là các thông tin về giao dịch liên kết, chính sách và phương pháp xác định giá đối với giao dịch liên kết được lập và lưu tại trụ sở của người nộp thuế theo danh mục các nội dung thông tin, tài liệu quy định tại Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

       b) Hồ sơ toàn cầu là các thông tin về hoạt động kinh doanh của tập đoàn đa quốc gia, chính sách và phương pháp xác định giá giao dịch liên kết của tập đoàn trên toàn cầu và chính sách phân bổ thu nhập và phân bổ các hoạt động, chức năng trong chuỗi giá trị của tập đoàn theo danh mục các nội dung thông tin, tài liệu quy định tại Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

       Người nộp thuế lập và cung cấp Hồ sơ toàn cầu của tập đoàn đa quốc gia nơi hợp nhất báo cáo tài chính của người nộp thuế tại Việt Nam theo quy định về chế độ kế toán. Trường hợp người nộp thuế là công ty con của nhiều công ty mẹ thuộc các tập đoàn đa quốc gia khác nhau và báo cáo tài chính của người nộp thuế được hợp nhất vào nhiều tập đoàn thì người nộp thuế cung cấp Hồ sơ toàn cầu của tất cả các tập đoàn này.

        c) Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia:

       Trường hợp người nộp thuế là Công ty mẹ tối cao tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu trong kỳ tính thuế từ mười tám nghìn tỷ đồng trở lên báo cáo Mẫu 04 ban hành theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

      Trường hợp người nộp thuế có Công ty mẹ tối cao tại nước ngoài cung cấp bản sao Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty mẹ tối cao theo biểu mẫu kê khai của Cơ quan thuế nước sở tại hoặc theo Mẫu số 04 ban hành theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

      Thông tin tại Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết được xác định là trọng yếu nếu thông tin này gây ảnh hưởng đến kết quả phân tích lựa chọn đối tượng so sánh độc lập tương đồng; phương pháp xác định giá giao dịch liên kết hoặc kết quả điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế.

  Vậy:

Người nộp thuế là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai và có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (Nội dung số 1 và 2 nêu trên)  đều phải thực hiện kê khai Mẫu số 01 – Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết.

         Nếu người nộp thuế thuộc diện được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết (Điểm 1, nội dung số 5 nêu trên) thì chỉ kê khai mục I, mục II tại Mẫu 01;

         Nếu người nộp thuế thuộc diện được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết (Điểm 2, nội dung số 5 nêu trên) thì vẫn kê khai đầy đủ các mục (I,II,III,VI) của Mẫu 01;

         Nếu người nộp thuế không thuộc diện được miễn kê khai, không thuộc diện được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo hướng dẫn tại Điều 5, Thông tư 41/2017/TT-BTC và quy định tại Điểm c, Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (không thuộc nội dung số 5 nêu trên) thì có trách nhiệm kê khai đầy đủ các Mẫu 01, Mẫu 02, Mẫu 03, Mẫu 04 (nếu có) kèm theo Hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm nộp cơ quan thuế trực tiếp quản lý theo quy định. Đồng thời phải có trách nhiệm lập, lưu giữ và xuất trình Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết (nội dung số 6 và 7 nêu trên) theo quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư 41/2017/TT-BTC.